Cơ sở khoa học của tố chất Thăng Bằng

 Tố chất thăng bằng

Thăng bằng là khả năng của cơ thể duy trì ổn định một tư thế nào đó trong không gian. Có thể chia tố chất thăng bằng thành 2 loại: thăng bằng tĩnh và thăng bằng động. Thăng bằng tĩnh là khả năng duy trì ổn định một tư thế quy định nào đó của cơ thể, còn thăng bằng động là khả năng duy trì thăng bằng của cơ thể trong hoạt động vận động. Khả năng duy trì thăng bằng được quyết định bởi cơ quan phân tích tiền đình và cơ quan cảm giác vận động (cảm giác bản thể) nằm trong cơ, gân, khớp. Tố chất thăng bằng chịu ảnh hưởng tổng hợp của 2 nhóm nhân tố bẩm sinh và tập luyện. Từ 11 – 16 tuổi khả năng thăng bằng nâng cao dần theo tuổi, sự khác biệt giữa nam và nữ còn cần xác định thêm.

Phương pháp thường dùng để kiểm tra khả năng thăng bằng tĩnh là đo thời gian duy trì động tác đứng tĩnh nào đó (test Rombeger, “chuối” 1 hoặc 2 tay hoặc chuối đầu với tay …

Phương pháp thường dùng để kiểm tra khả năng thăng bằng động là đo thời gian duy trì thăng bằng của cơ thể ở tư thế hạ thấp trọng tâm, di chuyển bật nhảy nhanh bằng chân; hoặc kiểm tra khả năng thăng bằng của cơ thể khi chịu tác dụng một lực từ bên ngoài; hoặc kiểm trả duy trì thăng bằng của cơ thể khi VĐV di chuyển vật thể (tốc độ trung bình, biến tốc, biến hướng)…

Một số test về tố chất Thăng Bằng

Dưới đây là một số test tham khảo, không đặc thù cho từng môn.

a). Đu dây kéo người lên cao (lần/30giây)

  • Mục đích kiểm tra: Đánh giá lực cơ cánh tay và khả năng thăng bằng động.
  • Phương pháp kiểm tra: Sử dụng dây dài 4m, đầu trên cố định vào giá hoặc cành cây, người thực hiện tay nắm đầu dưới của dây (điểm nắm tay vào dây cao hơn đầu), sau đó co 2 tay kéo người lên, 2 chân rời khỏi mặt đất, người kiểm tra đẩy dây tới một góc 300, sau đó thả tay cho dao động. Trong điều kiện dây lay động, người thực hiện gập người nâng chân vượt qua đầu. sau đó hạ chân duỗi thẳng người về vị trí ban đầu (hông, chân và dây thành 1 đường thẳng) được tính 1 lần, tiếp tục thực hiện lần tiếp theo. Tính tổng số lần thực hiện đúng trong 30s.
  • Những điều chú ý: Dây cần được cố định chắc chắn, đảm bảo an toàn, người kiểm tra đứng ở bên cạnh chú ý bảo hiểm.

b). Thăng bằng trên ván nhỏ (s)

  • Mục đích kiểm tra: Đánh giá khả năng thăng bằng.
  • Trang thiết bị: Hai sợi dây thừng độ dài 4m, đầu trên gắn cố định vào giá hoặc cành cây, đầu dưới buộc vào 1 tấm ván dài 150cm rộng 30cm (khoảng cách giữa 2 dây buộc vào tấm ván khoảng 130cm), mặt tấm ván khi đứng im song song với mặt phẳng ngang; Đồng hồ bấm giây.
  • Phương pháp kiểm tra: Người thực hiện nắm vào dây, hai chân đứng rộng bằng vai (mũi chân hướng phía trước), sau đó người kiểm tra kéo dây ra một góc 300, buông tay cho dây và ván dao động. Người thực hiện sau một lần dao động đi về của dây thì bỏ tay khỏi dây, khi người thực hiện rời tay khỏi dây bắt đầu tính thời gian, cho tới khi người thực hiện rơi xuống hoặc dây dựng lại thì dừng đồng hồ. Tính thời gian duy trì thăng bằng, nếu người thực hiện không bị rơi xuống thì ghi ký hiệu “#”. Kiểm tra 2 lần, lấy thành tích cao nhất.
  • Những điều chú ý: Ván phải được gắn cố định và chắc chắn vào dây, người kiểm tra đứng bên để bảo hiểm. Khi một trong hai tay của người thực hiện chạm vào dây nhằm giữ thăng bằng thì lập tức dừng đồng hồ.

c). Thăng bằng trên ván lớn (lần)

  • Mục đích kiểm tra: Đánh giá khả năng thăng bằng và khả năng điều chỉnh.
  • Trang thiết bị: Hai sợi dây thừng độ dài 4m, đầu trên gắn cố định vào giá hoặc cành cây, đầu dưới buộc vào 1 tấm ván dài 2m rộng 0.5m (khoảng cách giữa 2 dây buộc vào tấm ván khoảng 1.7m), mặt tấm ván khi đứng im song song với mặt phẳng ngang.
  • Phương pháp kiểm tra: Người kiểm tra hai tay nắm 1 sợi dây, hai chân đứng song song rộng bằng vai (mũi chân hướng về phía trước), sau đó người kiểm tra kéo dây tạo thành góc 300 và thả tay cho dây dao động. Người thực hiện sau khi dây dao động 1 lần thì rời tay khỏi dây, quay người và đi về phía sợi dây bên kia, chạm tay vào dây (không được nắm giữ dây) tính một lần thành công. Sau đó tiếp tục quay người di chuyển và vẫn dùng tay đó chạm vào sợi dây bên kia. Thực hiện lặp lại liên tục cho tới khi bị rơi xuống hoặc dây ngừng dao động thì dừng lại. Người kiểm tra thống kê tổng số lần thực hiện thành công. Nếu người thực hiện không bị rơi xuống thì ghi ký hiệu “#”. Thực hiện 2 lần, lấy thành tích cao nhất.
  • Những điều chú ý: Người thực hiện sau khi rời tay và di chuyển về phía bên kia không được đứng lại quá 3s, các yêu cầu khác như trên.

d). Thăng bằng một chân trên bục (s)

  • Mục đích kiểm tra: Đánh giá khả năng thăng bằng tĩnh.
  • Trang thiết bị: Một bục gỗ dài 30cm, rộng 3cm, cao 3cm; Đồng hồ bấm giây.
  • Phương pháp kiểm tra: Người kiểm tra đi chân đất, hai tay giơ trước bằng nhau, 1 chân đứng trên bục, 1 chân chạm đất, bịt mắt. Sau khi nghe hiệu lệnh, chân chạm đất rời khỏi mặt đất, lúc này người kiểm tra thực hiện bấm giờ cho tới khi người thực hiện có bất kỳ bộ phận nào của cơ thể chạm đất thì lập tức dừng đồng hồ. Đơn vị đo là giây, lấy chính xác tới 1/10. Mỗi chân thực hiện 2 lần, lấy thành tích cao nhất.
  • Những điều chú ý: mặt đất bằng phẳng, chú ý bảo hiểm.

e). Test Rombeger (s)

  • Mục đích kiểm tra: Đánh giá khả năng thăng bằng tĩnh của VĐV.
  • Trang thiết bị: Đồng hồ bấm giây.
  • Phương pháp kiểm tra: Sử dụng 4 phương pháp (tư thế) từng bước cắt giảm thiết diện chống để kiểm tra, đánh giá khả năng duy trì thăng bằng tĩnh của VĐV.

+ Tư thế 1: Đứng ở tư thế hai chân chụm, hai tay nâng ra trước song song với mặt đất.

+ Tư thế 2: Đứng ở tư thế chân trước chân sau, ngón cái của chân sau chạm gót chân trước, hai bàn chân tạo thành đường thẳng, hai tay ra trước song song với mặt đất.

+ Tư thế 3: Đứng ở tư thế một chân, chân kia co lên đặt gót chân chạm vào đầu gối chân trụ, 2 tay ra trước song song với mặt đất.

+ Tư thế 4: Còn gọi là thăng bằng kiểu chim Yến. Yêu cầu: 2 tay dang ngang song song với mặt đất. Sau khi quan sát thấy chân người thực hiện được nâng và duỗi thẳng ra sau, ngang bằng với thân người thì bắt đầu tính giờ, khi chân trụ di chuyển hoặc chân nâng hạ xuống chạm đất thì dừng đồng hồ. Thực hiện 3 lần, lấy thành tích cao nhất.

  • Những điều chú ý: Sử dụng đồng hồ bấm giây để ghi lại thời gian thực hiện ở các tư thế. Chú ý tính chính xác của động tác.
  • Phương pháp đánh giá: Có thể sử dụng phương pháp đánh giá theo 3 cấp để đánh giá đối với 4 tư thế trên. Nếu người thực hiện ở mỗi một tư thế có thể giữ thăng bằng trong 15s, cơ thể không bị run, tay và mí mắt không bị rung động, thì khả năng thăng bằng tĩnh là rất tốt; Nếu xuất hiện rung động thì coi như đạt; Nếu không duy trì được thăng bằng trong 15s là không đạt.

Test kiểm tra này phù hợp trong tuyển chọn VĐV các môn thể thao như: Thể dục, bơi, các môn kỹ xảo và các môn bắn…

f). Khả năng thăng bằng nổi (giây hoặc độ)

* Phương pháp 1: Phương pháp kiểm tra bằng phao tự chế.

– Mục đích kiểm tra: Đánh giá khả năng nổi và khả năng điều chỉnh thăng bằng (sử dụng trong tuyển chọn VĐV bơi, các môn khác có thể tham khảo sử dụng).

– Trang thiết bị: Phao tự chế bằng xốp dài 5cm, rộng 3cm, cao 1cm, dùng 1 sợi dây dài khoảng 40cm buộc vào, đầu kia buộc vào vòng dây cao su.

– Phương pháp kiểm tra: người thực hiện ở trên cạn, đeo vòng dây cao su vào gót chân phải, sau khi xuống nước, hít sâu, 2 tay nâng lên và úp trong nước, người hỗ trợ dùng tay giữ cho ổn định, khi hiệu lệnh kiểm tra phát ra thì rời tay, đồng thời bắt đầu tính thời gian, khi phao chìm thì dừng đồng hổ.

– Những điều chú ý: Người thực hiện sau khi hít sâu, nín thở, thân người cố gắng duỗi thẳng nằm sấp trên nước.

* Phương pháp 2: Kiểm tra không có phao tự chế.

Nếu người nào hai tay dang rộng sang 2 bên, 2 chân duỗi thẳng, có thể giữ cơ thể thăng bằng ngang với mặt nước thì đánh giá khả năng nổi độ 1; Người nào 2 tay duỗi thẳng ra trước, 2 chân duỗi thẳng, có thể giữ cơ thể thăng bằng ngang với mặt nước thì đánh giá khả năng nổi độ 2; Người nào 2 tay duỗi thẳng ra trước, 2 chân duỗi thẳng, có thể giữ nổi tĩnh ở trên mặt nước, nhưng chân hơi rung và hạ xuống thì đánh giá khả năng nổi độ 3.