Cơ sở khoa học của Sức mạnh.

Cơ sở khoa học của sức mạnh

Sức mạnh là chỉ khả năng của cơ thể hoặc một bộ phận cơ bắp khắc phục lực cản trong quá trình vận động. Sức mạnh là tố chất vận động cơ bản nhất và quan trọng nhất của người tập luyện thể thao .

Tố chất sức mạnh chịu ảnh hưởng của các nhân tố bẩm sinh và huấn luyện. Thường đối với nam, trước  tuổi 18 sức mạnh sẽ tăng dần theo tuổi, đến khoảng 25 tuổi sức mạnh đạt tới mức độ cao nhất, sau đó sẽ giảm dần. Đối với nữ, trước 10 tuổi, tốc độ phát triển sức mạnh về cơ bản tương đương với nam giới, đến 20 tuổi đạt tới mức độ cao nhất, sau đó sẽ giảm dần, sức mạnh của nữ giới thông thường bằng 2/3 của nam giới. Các nhân tố như thể hình, diện tích mặt cắt ngang của cơ, độ dài cơ (trong tư thế cơ bản) và độ dài ban đầu trước khi co cơ, loại hình sợi cơ (tỷ lệ sợi cơ nhanh IIb cao làm tăng sức mạnh), mức độ hưng phấn thần kinh và số lượng sợi cơ tham gia, hiệu ứng cơ học co cơ của động tác hợp lý… có ảnh hưởng lớn tới sức mạnh. Sức mạnh biểu hiện dưới các dạng: sức mạnh tối đa (sức mạnh tuyệt đối), sức mạnh tương đối, sức mạnh tốc độ và sức mạnh bền.

a). Sức mạnh tuyệt đối

Sức mạnh tuyệt đối là khả năng khắc phục lực cản bên ngoài tối đa (trừ nhân tố thể trọng) của cơ thể hoặc một phận cơ bắp của cơ thể. Thường sử dụng phương thức thực hiện 1 lần dùng lực tối đa bằng một động tác hoặc tư thế quy định (co cơ tĩnh hoặc động) để đánh giá, cũng có thể sử dụng lượng vận động cực hạn hoặc gần cực hạn, dựa vào biên độ hoàn thành hoặc thời gian duy trì để đánh giá sức mạnh (không phải là tổng biên độ hoặc thời gian tối đa). Kết quả kiểm tra sức mạnh tuyệt đối cho phép đánh giá được trình độ sức mạnh cơ bản hiện tại của người test, cũng có thể sử dụng hỗ trợ trong việc phán đoán năng lực chuyên môn và tiềm năng của họ.

b). Sức mạnh tương đối

Sức mạnh tương đối là sức mạnh tối đa của mỗi kg trọng lượng cơ thể. Phương pháp đánh giá là kiểm tra sức mạnh tuyệt đối, sau đó chia giá trị đó cho trọng lượng cơ thể.

c). Sức mạnh tốc độ

Sức mạnh tốc độ là khả năng khắc phục lực cản trong các động tác nhanh. Thường sử dụng phương pháp kiểm tra khả năng phát huy lực tối đa trong thời gian tương đối ngắn hoặc ngắn nhất, trong đó phương pháp ưu thế thường được sử dụng là kiểm tra sức mạnh bộc phát. Trong quá trình tuyển chọn thường sử dụng phương pháp đo lường công xuất vận động, tức là xác định cự ly hoặc không gian lớn nhất mà cơ thể hoặc vật thể đạt được khi sử dụng lực tối đa (như bật cao, nhảy xa, đẩy tạ…). Cách thức kiểm tra thường là tính toán thời gian cần thiết để hoàn thành cự ly quy định hoặc cự ly đạt được trong khoảng thời gian quy định.

d). Sức mạnh bền

Sức mạnh bền là khả năng khắc phục lực cản trong thời gian dài của cơ bắp hay khả năng khắc phục mệt mỏi trong hoạt động sức mạnh thời gian dài. Sức mạnh bền có thể phân chia thành các dạng: sức bền động hoặc sức bền tĩnh, hoặc phân thành sức mạnh bền tương đối và sức mạnh bền tuyệt đối.

Sức mạnh bền động là khả năng duy trì sự căng cơ lặp lại động tác trong thời gian dài; Sức mạnh bền tĩnh là khả năng duy trì căng cơ trong thời gian dài của cơ bắp khi duy trì ở một tư thế nào đó; Sức mạnh bền cơ tương đối là khả năng căng cơ lâu dài trên tỷ lệ một trọng lượng cơ bắp nào đó hay sức mạnh bền tối đa trên trọng lượng cơ thể; Sức mạnh bền cơ tuyệt đối là chỉ năng lực hoàn thành lượng vận động đối kháng tương ứng trong thời gian dài mà không tính tới sức mạnh tối đa hoặc trọng lượng cơ thể.

Kiểm tra sức mạnh bền động thường sử dụng các phương pháp thực hiện lặp lại một động tác theo quy định (cự ly, biên độ, chất lượng) và thống kê số lần hoàn thành (không giới hạn thời gian thực hiện). VD, co tay xà đơn tính số lần tối đa hoặc nằm ngửa gập bụng tính số lần tối đa…

Kiểm tra sức mạnh bền tĩnh thường sử dụng phương pháp tính thời gian mà người được kiểm tra duy trì căng cơ ở một tư thế hoặc một động tác cố định (như đứng gập người co tay 900 giữ tạ, tính thời gian); Sức mạnh bền cơ tương đối có thể tính tỷ lệ lực co cơ tối đa thể trên trọng lượng cơ thể.

Một số test về Sức Mạnh

Dưới đây là một số test tham khảo, không đặc thù cho từng môn.

Kiểm tra tố chất sức mạnh cơ bản

a). Co tay xà đơn (lần)

  • Mục đích kiểm tra: Kiểm tra sức mạnh tối đa, sức mạnh bền hay sức mạnh tốc độ của tay vai.
  • Trang thiết bị: Xà đơn, đồng hồ bấm giây.
  • Phương pháp kiểm tra: Người thực hiện nắm xuôi 2 tay vào xà, treo người ở tư thế thẳng đứng. Khi thân người ổn định, thực hiện co 2 tay sao cho cằm vượt qua xà, sau đó duỗi thẳng tay trở về vị trí ban đầu. Tính tổng số lần thực hiện.
  • Những điều chú ý: Người thực hiện không được sử dụng các động tác phụ như đánh lăng, gập bụng, co chân… để hỗ trợ, nếu cơ thể bị lay động có thể dùng tay để giữ ổn định nhưng không được hỗ trợ lực. Phụ thuộc mục đích kiểm tra loại sức mạnh để đặt ra qui định cách thức thực hiện: Kiểm tra sức mạnh tối đa không giới hạn thời gian thực hiện; Sức mạnh bền đánh giá bằng số lần trong thời gian tương đối dài; Sức mạnh tốc độ đo số lần trong thời gian ngắn, dưới 30 giây.

b). Co giữ tay xà đơn (giây)

  • Mục đích kiểm tra: Kiểm tra đánh giá sức mạnh tay.
  • Trang thiết bị: Xà đơn, đồng hồ bấm giây.
  • Phương pháp kiểm tra: Người thực hiện nắm tay vào xà sao cho khoảng cách 2 tay rộng bằng vai, 1 tay nắm xuôi, 1 tay nắm ngược. Người được test chuẩn bị ở tư thế tay co, cằm vượt qua xà sau đó mới bắt đầu tính giờ. Khi đỉnh đầu hạ thấp qua mặt trên của xà thì dừng đồng hồ. Đơn vị đo: giây.
  • Những điều chú ý: ⑴ Khi người thực hiện co giữ tay yêu cầu buông thẳng người; ⑵ Chú ý bảo hộ 7 đề phòng chấn thương.

c). Lực cơ lưng (lực kéo cơ lưng, kG hoặc N)

  • Mục đích kiểm tra: Kiểm tra sức mạnh duỗi cơ của nhóm cơ thân mình, có liên quan tới sức mạnh duỗi cơ của chi dưới, co gấp cơ ngón tay và duỗi cơ chi trên, cơ đai vai… Do vậy ở mức độ nhất định kết quả đo phản ánh sức mạnh toàn thân, trong đó chủ yếu là sức mạnh nhóm cơ lưng bụng.
  • Trang thiết bị: Thiết bị đo lực cơ lưng.
  • Phương pháp kiểm tra: Người thực hiện đứng trên lực kế lưng, độ cao của tay nắm được điều chỉnh ở ngang gối, tay duỗi thẳng. Khi thực hiện, đổ người về trước 300, 2 bàn tay nắm vào tay nắm, lòng bàn tay hướng vào trong, 2 chân duỗi thẳng, dùng lực duỗi lưng. Khi kim đồng hồ dừng, ghi lại kết quả. Thực hiện 3 lần, lấy thành tích tốt nhất.
  • Chỉ số lực cơ lưng = lực cơ lưng (kG) × 100/thể trọng (kg)
  • Những điều chú ý: Người thực hiện chỉ được dùng lực kéo (duỗi) của nhóm cơ lưng ở tư thế chân thẳng, thân người nghiêng trước 300, không được sử dụng lực co tay, duỗi chân và đổ người ra sau để trợ lực.

d). Lực duỗi chân (kG hay N)

  • Mục đích kiểm tra: Đánh giá lực duỗi cơ chân và bàn chân.
  • Trang thiết bị: Thiết bị đo lực cơ lưng.
  • Phương pháp kiểm tra: Người thực hiện đứng trên máy đo lực cơ lưng, lưng hướng về phía tay nắm, thân người thẳng, gối trùng ở góc 1350, 2 tay nắm vào tay nắm, điều chỉnh cao bằng khớp gối. Khi thực hiện, dùng lực duỗi thẳng chân, khi kim đồng hồ dừng, ghi giá trị thu được. Thực hiện 3 lần lấy thành tích cao nhất.
  • Những điều chú ý: Cần đo chính xác góc gập của khớp gối. Khi thực hiện không được đổ người về trước, ngả người ra sau hoặc co tay.

e). Ke bụng xà đơn (lần/30 giây)

  • Mục đích kiểm tra: Đánh giá sức mạnh tốc độ cơ lưng bụng.
  • Trang thiết bị: Xà đơn, đồng hồ bấm giây.
  • Phương pháp kiểm tra: Người thực hiện bám xuôi tay vào xà đơn, duỗi thẳng tay, thẳng chân, 2 mũi chân chạm nhau và duỗi thẳng bàn chân. Thực hiện: gập bụng, nâng chân cho tới khi mũi chân chạm xà (1 lần); hạ chân xuống vị trí ban đầu, tiếp tục thực hiện lại lần 2. Tính số lần thực hiện được trong 30 giây.
  • Những điều cần chú ý: Lần thực hiện tiếp theo bắt đầu khi thân người, chân đã duỗi thẳng.

f). Nằm sấp chống đẩy (lần)

  • Mục đích kiểm tra: Đánh giá sức mạnh của tay và đai vai.
  • Trang thiết bị: Mặt đất hoặc thảm bằng phẳng.
  • Phương pháp kiểm tra: Người thực hiện ở tư thế 2 tay và 2 mũi chân chống đất, 2 tay rộng bằng vai, cánh tay duỗi thẳng,thân người giữ ở tư thế sấp và thẳng lưng. Thực hiện: hạ người, gấp cánh tay, không được để thân người chạm đất, sau đó duỗi thẳng cánh tay trở về vị trí ban đầu, hoàn thành 1 lần .Thực hiện liên tục, tính số lần thực hiện đúng kỹ thuật.
  • Những điều chú ý: Khi hạ xuống và đẩy người lên không được cong lưng hoặc võng bụng. Phụ thuộc mục đích kiểm tra loại sức mạnh để đặt ra qui định cách thức thực hiện (xem mục co tay xà đơn).

g). Nằm ngửa gập bụng (lần hoặc lần/giây)

  • Mục đích kiểm tra: Đánh giá sức mạnh nhóm cơ lưng bụng.
  • Trang thiết bị: Thảm, đồng hồ bấm giây.
  • Phương pháp kiểm tra: Người kiểm tra nằm ngửa, bả vai 2 bên chạm thảm, 2 tay ôm sau đầu, 2 chân khép và duỗi thẳng, người phục vục giữ chặt 2 chân; khi gập người ngồi dậy, 2 khuỷu tay chạm gối hoàn thành 1 lần.
  • Những điều chú ý: Không vung tay hoặc chống đất để trợ lực. Phụ thuộc mục đích kiểm tra loại sức mạnh để đặt ra qui định cách thức thực hiện (xem mục co tay xà đơn).

Kiểm tra tố chất sức mạnh chuyên môn. Căn cứ đặc điểm hoạt động vận động của môn thể thao để lựa chọn.

a). Nằm ngửa đẩy tạ (kg)

  • Mục đích kiểm tra: Đánh giá sức mạnh nhóm cơ duỗi cánh tay.
  • Trang thiết bị: Tạ đòn tiêu chuẩn, ghế nằm đẩy tạ.
  • Phương pháp kiểm tra: Sau khi điều chỉnh trọng lượng tạ (thường bắt đầu từ mức tạ 25kg), người kiểm tra nằm ngửa trên ghế, 2 chân chạm đất, hỗ trợ nâng tạ sao cho đòn tạ nằm ở trước ngực, người thực hiện hai tay nắm xuôi đòn tạ, rộng gần bằng vai (không được vượt quá 80cm), đẩy tạ tới khi 2 tay duỗi thẳng, duy trì trong 2giây .Sau đó hỗ trợ rời tạ, tiếp tục điều chỉnh tăng trọng lượng tạ mỗi lần 5kg, mỗi lần (mức tạ) thực hiện tối đa 2 lần đẩy. Thực hiện cho tới khi không đẩy được nữa thì kết thúc. Thành tích là tổng số kg đạt được.
  • Phương pháp đánh giá: Lấy tổng số kg đạt được trừ đi trọng lượng cơ thể. Thành tích càng cao càng tốt.
  • Những điều chú ý: ⑴ Trước khi tiến hành cần kiểm tra cẩn thận đòn tạ và khóa đĩa tạ, khởi động kỹ để đề phòng chấn thương; ⑵ Khi thực hiện cần phải có biện pháp bảo hiểm; ⑶ Chỉ tiêu này nên kiểm tra đối với những người có tuổi sinh học trong khoảng 16-17 tuổi.

b). Đứng gập người co tay kéo tạ (kg)

  • Mục đích kiểm tra: Kiểm tra đánh giá sức mạnh nhóm cơ gấp cánh tay và các bộ phận như ngực, lưng, vai.
  • Trang thiết bị: Ghế băng dài (chiều cao của mặt ghế xác định bằng chiều cao mà khi đứng thẳng trên ghế, cúi người, 2 tay duỗi thẳng có thể nắm được đòn tạ nằm trên mặt đất làm chuẩn), một tạ đòn.
  • Phương pháp kiểm tra: Sau khi điều chỉnh trọng lượng tạ (bắt đầu là 80% trọng lượng tối đa), người thực hiện đứng trên ghế, cúi gập người, ngực và cằm gần với mặt phẳng ghế, 2 tay cùng lúc thực hiện kéo tạ lên, khi đòn tạ chạm vào đáy của mặt ghế là hoàn thành. Mỗi lần thực hiện kéo tạ 1 lần, sau đó tăng dần trọng lượng tạ cho tới khi động tác bị biến dạng (cằm và ngực rời khỏi mặt ghế) hoặc không thể kéo được thì kết thúc .Kết quả đánh giá là trọng lượng lớn nhất có thể kéo được (kg).

Kỹ thuật gập người co tay kéo tạ

  • Những điều chú ý: Như mục a. Nằm ngửa đẩy tạ.

c). Gánh tạ đứng lên ngồi xuống (kg)

  • Mục đích kiểm tra: Đánh giá sức mạnh nhóm cơ đạp duỗi chân và sức mạnh nhóm cơ lưng bụng.
  • Trang thiết bị: Tạ đòn tiêu chuẩn (đệm vai).
  • Phương pháp kiểm tra: Người thực hiện đứng 2 chân song song, rộng bằng vai, bàn chân tiếp xúc mặt nền, vai gánh tạ tiêu chuẩn đã được điều chỉnh trọng lượng, 2 tay nắm xuôi đòn tạ, thân người giữ thẳng. Thực hiện ngồi xuống cho tới khi góc giữa đùi và cẳng chân bằng 900 thì đứng dậy về tư thế ban đầu, duy trì 2 giây rồi rời tạ, hoàn thành 1 lần. Bắt đầu từ mức tạ thấp hơn mức tối đa 20-25kg, mỗi lần tăng 5kg, mỗi mức tạ thực hiện tối đa 2 lần, liên tục cho tới khi động tác bị biến dạng (nâng mông trước, đứng dậy sau) hoặc không thể đứng dậy thì kết thúc . Thành tích tính bằng tổng trọng lượng tạ đạt được.
  • Những điều chú ý: Như trên.

d). Cử giật (kg)

  • Mục đích kiểm tra: Đánh giá sức mạnh toàn thân và tính nhịp điệu động tác, áp dụng với những người có độ tuổi sinh học từ 16-17 tuổi.
  • Trang thiết bị: tạ đòn.
  • Phương pháp kiểm tra: Người thực hiện có thể sử dụng kỹ thuật cử giật chân trước sau hoặc ngồi xổm, nhưng khi đẩy lên phải hoàn thành trong 1 lần dùng lực, tay thẳng. Bắt đầu từ mức tạ thấp hơn mức tối đa của người kiểm tra 20-25kg, mỗi lần tăng 5kg, mỗi mức tạ thực hiện tối đa 2 lần cho đến trọng lượng tối đa thì kết thúc. Thành tích là tổng số kg đạt được.
  • Những điều chú ý: Như các thử nghiệm trên .

e). Chuối tay (lần)

  • Mục đích kiểm tra: Đánh giá sức mạnh vai, lưng và tay.
  • Trang thiết bị: Thảm hoặc đệm.
  • Phương pháp kiểm tra: Người thực hiện đứng ở trên thảm và thực hiện gập người, tay thẳng, 2 bàn tay chống mặt thảm, 2 chân tách rộng. Sau đó nâng chân cho tới khi người ở tư thế thẳng đứng, 2 chân chụm thì kết thúc 1 lần. Khi chân hạ xuống và tách ra về tư thế ban đầu thì thực hiện lần tiếp theo (như hình dưới). Thực hiện liên tục cho tới khi tay bị dịch chuyển hoặc mông chạm đất thì kết thúc, tính tổng số lần.

– Những điều chú ý: ⑴ Trong quá trình thực hiện giữ tay và chân thẳng, nếu cong tay hoặc chân nghiêng quá 450 không tính kết quả, thường sử dụng trong tuyển chọn VĐV các môn thể dục, thể dục nghệ thuật.

f). Bật cao tại chỗ (cm)

  • Mục đích kiểm tra: Đánh giá sức mạnh bộc phát của nhóm cơ chi dưới, đặc biệt là nhóm cơ duỗi gối và cơ vòm bàn chân.

Phương pháp 1:

  • Trang thiết bị: Thiết bị (bục) kiểm tra lực 3 chiều SC21, cố định 1 thước dây ở chính giữa bục.
  • Phương pháp kiểm tra: Người kiểm tra đứng giữa bục, tư thế thẳng, kết nối với thước dây, đọc số trên thước. Khởi động máy hiện sóng với tốc độ chạy giấy 100 vòng/giây. Người thực hiện có thể hạ thấp trọng tâm, đánh lăng tay bật lên và rơi xuống vị trí ban đầu. Tính kết quả: Lấy giá trị sau trừ đi số trước = độ cao bật nhảy, thực hiện 2 lần, lấy thành tích tốt nhất. Máy hiện sóng sẽ ghi lại toàn bộ hình ảnh động tác bật nhảy.

Phương pháp 2 (bật cao với): Áp dụng khi không có thiết bị chuyên.

  • Sân bãi, dụng cụ: Thiết bị đo bật cao với hoặc 01 bảng đen và phấn trắng, một thước dây cuộn; một thước thẳng có chiều dài tối thiểu 3m hoặc thước gắn lên tường.
  • Phương pháp đo: Người thực hiện đứng thẳng ở 1 bên của thước thẳng, đầu ngón tay giữa bôi phấn, sau đó giơ thẳng lên cao, áp sát vào thước, 2 chân đứng trên mặt đất, không kiễng. Dùng đầu ngón tay giữa bôi phấn vào thước, xác định số đo trên thước, đơn vị là cm. Sau đó trùng gối và thực hiện bật nhảy, cố gắng vươn cao và dùng đầu ngón tay giữa bôi lên thước ở điểm cao nhất có thể. Độ cao bật nhảy là khoảng cách từ điểm chạm với khi đứng tới điểm chạm với khi bật nhảy.
  • Những điều cần chú ý: Bật nhảy 2 chân tại chỗ, cùng lúc, bật thẳng lên trên và tiếp đất tại điểm bật nhảy (không vượt quá 10cm).

g). Bật xa tại chỗ (cm)

  • Mục đích kiểm tra: Đánh giá sức mạnh bộc phát nhóm cơ chi dưới, đặc biệt là nhóm cơ duỗi gối và cơ vòm bàn chân.
  • Trang thiết bị: Mặt đất bằng phẳng hoặc hố cát, thước dài.
  • Phương pháp kiểm tra: Người thực hiện đứng ở tư thế 2 chân tự nhiên, sau vạch bật xa, trùng gối và thực hiện bật nhảy về phía trước càng xa càng tốt, hai chân tiếp đất. Thành tích là khoảng cách từ vạch bật nhảy tới điểm tiếp đất gần nhất, thực hiện 3 lần, lấy thành tích cao nhất, đơn vị (cm).
  • Những điều chú ý: Trước khi bật nhảy không được có bước đệm hoặc dịch chuyển vị trí, điểm bật nhảy và điểm rơi phải trên 1 mặt phẳng.

h). Bật cao với có đà (cm)

  • Mục đích kiểm tra: Đánh giá sức mạnh tốc độ chi dưới và khả năng phối hợp.
  • Trang thiết bị: Như thử nghiệm f.
  • Phương pháp kiểm tra: ⑴ Chuẩn bị: Như thử nghiệm f. ⑵ Chạy đà bật cao với. Người thực hiện chạy đà và bật nhảy bằng chân thuận, lấy ngón tay giữa ngược với chân bật nhảy chạm vào máy hiển thị độ cao, thực hiện 3 lần, lấy thành tích cao nhất (số chẵn, đơn vị đo: cm).
  • Độ cao bật nhảy: xem thử nghiệm f.
  • Những điều chú ý: thực hiện chạy đà từ 4-6 bước, có thể chạy đà thẳng hoặc chạy vòng.

i). Hất tạ sau đầu (m)

–       Mục đích kiểm tra: Đánh giá sức mạnh toàn thân và khả năng phối hợp dùng lực .

  • Trang thiết bị: Bãi đẩy tạ hoặc bãi đất: dài x rộng 20m. Trọng lượng tạ: nam 12-15 tuổi – 4kg, 16-17 tuổi – 5kg; nữ 12-13 tuổi – 3kg, 16-17 tuổi – 4kg.
  • Phương pháp kiểm tra: Người kiểm tra đứng 2 chân rộng bằng vai, lưng hướng ném, 2 gót chân sát vạch giới hạn, 2 tay cầm tạ. Thực hiện: trùng gối hạ thấp trọng tâm và dùng 2 tay hất mạnh tạ qua đầu ra sau. Sau khi tạ rời tay, người thực hiện có thể bước lùi về hướng ném mà không bị phạm quy. Thực hiện 3 lần, lấy thành tích tốt nhất.

          –         Những điều chú ý: Khu vực tạ tiếp đất phải là đất hoặc xỉ than.

k). Hất bóng đặc 2kg ra sau đầu (m)

  • Mục đích kiểm tra: Đánh giá sức mạnh tuyệt đối và sức mạnh tốc độ của cơ thể.
  • Trang thiết bị: Bóng đặc 2 kg, thước đo.
  • Phương pháp kiểm tra: Người thực hiện đứng sau vạch giới hạn, lưng hướng ném, 2 tay cầm bóng, sau đó thực hiện hất bóng qua đầu ra sau. Khi hất bóng, dùng sức mạnh lưng bụng, chân để tạo lực cho tay. Mỗi người thực hiện 3 lần, lấy thành tích tốt nhất. Thành tích được đo từ vạch giới hạn tới điểm tạ tiếp đất gần nhất.
  • Những điều chú ý: Sau khi hất tạ, gót chân không được bước qua vạch giới hạn.

l). Ném bóng đặc 2kg ra trước (m)

  • Mục đích kiểm tra: Đánh giá sức mạnh tuyệt đối và sức mạnh tốc độ cơ thể.
  • Trang thiết bị: bóng đặc 2 kg, thước đo.
  • Phương pháp kiểm tra: Người thực hiện đứng mặt hướng ném, hai tay cầm ở mặt sau của bóng và giữ bóng ở phía trên sau đầu, thực hiện chạy đà từ 4-6 bước và ném bóng ra trước. Thành tích tính bằng m.
  • Những điều chú ý: Sau khi ném tạ, chân không được bước qua vạch giới hạn.

m). Tại chỗ bật xa 3 bước (m)

  • Mục đích kiểm tra: Kiểm tra đánh giá sức mạnh tốc độ của nhóm cơ chi dưới và khả năng phối hợp vận động.
  • Trang thiết bị: Mặt đất phẳng hoặc hố cát, thước dây, trang cát.
  • Phương pháp kiểm tra: Người thực hiện đứng sau vạch xuất phát, bật nhảy 2 chân, tiếp đất bước thứ nhất bằng 1 chân, bước thứ 2 tiếp đất bằng chân còn lại, bước thứ 3 tiếp cát bằng 2 chân. Thành tích được đo từ vạch xuất phát tới điểm tiếp cát gần nhất, thực hiện 3 lần, lấy thành tích cao nhất.

–         Những điều chú ý: Như thử nghiệm g.Bật xa tại chỗ

n). Tại chỗ bật xa 10 bước (m)

  • Mục đích kiểm tra: Kiểm tra sức mạnh tốc độ của các nhóm cơ chi dưới và khả năng phối hợp vận động..
  • Trang thiết bị: Mặt đất bằng phẳng hoặc hố cát, thước dây
  • Phương pháp kiểm tra: Như thử nghiệm m(bật xa tại chỗ 3 bước), tuy nhiên người được test nhảy tổng cộng 10 bước, bước thứ 10 rơi vào hố cát.

–         Những điều chú ý: Như thử nghiệm g.Bật xa tại chỗ

p). Chạy đà 4 bước bật xa 5 bước (m)

  • Mục đích kiểm tra: Đánh giá sức mạnh tốc độ chi dưới và khả năng phối hợp vận động .
  • Trang thiết bị: Hố cát, thước dây, chang cát.
  • Phương pháp kiểm tra: Người thực hiện đặt chân giậm nhảy ở trước, chạy đà 4 bước, sau đó thực hiện bật nhảy đổi chân liên tục, tới bước thứ 5, 2 chân cùng tiếp cát. Kiểm tra 3 lần, lấy thành tích cao nhất. Đơn vị đo là m, lấy chính xác tới 1/100.
  • Những điều chú ý: Như thử nghiệm g. Bật xa tại chỗ

.