Cơ sở khoa học của tố chất Linh Hoạt

 

Tố chất linh hoạt chỉ khả năng biến đổi vận động một cách nhanh chóng, chuẩn xác và nhịp nhàng của cơ thể hay bộ phận cơ thể VĐV trong hoàn cảnh biến đổi hướng đột ngột. 

Tố chất linh hoạt là nội dung kiểm tra chủ yếu trong tuyển chọn VĐV của đa số các môn thể thao, đặc biệt với các môn thể thao đòi hỏi cơ thể hoặc bộ phận cơ thể của VĐV phải thường xuyên biến đổi hướng vận động. Kết quả kiểm tra không chỉ đánh giá được thực trạng khả năng linh hoạt của đối tượng dự tuyển, mà còn cho phép dự báo được tiềm năng thể thao trong tương lai của VĐV.

Tố chất linh hoạt chịu ảnh hưởng của cả 2 nhóm nhân tố bẩm sinh và tập luyện. Trước thời kỳ phát dục thanh xuân, tố chất linh hoạt thường tăng trưởng ổn định, nhưng ở thời điểm đạt cao trào thì mức độ phát triển tố chất này lại giảm, sau đó lại tăng dần cho tới khi đạt mức độ cao nhất. Ở trước kỳ phát dục thanh xuân sự khác biệt giữa nam và nữ không rõ ràng, từ kỳ phát dục thanh xuân tố chất linh hoạt của nam từng bước phát triển cao hơn.

Các nhân tố như tính cân bằng và linh hoạt của quá trình thần kinh vỏ đại não, cảm giác thời gian và không gian, năng lực phán đoán chính xác và tốc độ phản ứng nhanh, sức mạnh cơ và trạng thái chức năng cơ thể, số lượng và mức độ điều chỉnh thành thục kỹ năng động tác, thể hình… đều có ảnh hưởng đến tố chất linh hoạt.

Tố chất linh hoạt có thể phân thành tố chất linh hoạt chung và tố chất linh hoạt chuyên môn. Tiêu chí đánh giá tố chất linh hoạt là khả năng thực hiện các động tác nhanh, chính xác, nhịp nhàng của VĐV trong các hoạt động phức tạp. Cách thức đánh giá: hoàn thành các loạt động tác biến đổi nhanh, chính xác, nhịp nhàng theo trình tự đã quy định; Các loại test kiểm tra khả năng điều chỉnh nhanh phương hướng và vị trí cơ thể; Thực hiện các phản ứng trả lời chính xác đối với các loại tín hiệu khác nhau.

Một số test về tố chất Linh Hoạt (Khả năng phối hợp vận động)

Dưới đây là một số test tham khảo, không đặc thù cho từng môn.

a). Trượt ngang sang 2 bên trong 4 phút (lần)

  • Mục đích kiểm tra: Khả năng linh hoạt và phối hợp toàn thân.
  • Trang thiết bị: Vẽ một đường kẻ giữa trên mặt đất, sau đó vẽ thêm 2 đường kẻ song song ở hai bên cách đường kẻ giữa 100cm (7-11 tuổi) hoặc 120cm (>12 tuổi) và đồng hồ bấm giây.
  • Phương pháp kiểm tra: Người thực hiện đứng 2 chân 2 bên đường kẻ giữa, gối hơi gập. Sau khi nghe thấy tín hiệu “bắt đầu”, thực hiện trượt ngang sang đường kẻ bên phải, sau đó trượt về đường kẻ giữa rồi trượt sang đường kẻ bên trái và trượt về đường kẻ giữa. Thực hiện liên tục như vậy (hình dưới đây). Thành tích là tổng số lần trượt qua đường kẻ, mỗi lần trượt qua 1 đường kẻ tính 1 lần, mỗi lượt trượt đi về được tính 4 lần. Kiểm tra 2 lần, lấy thành tích cao nhất.
  • Những điều chú ý: Nếu trượt không vượt qua đường kẻ sẽ không được tính lần.

b). Bật nhảy hình chữ thập (điểm)

– Mục đích kiểm tra: Kiểm tra khả năng bật nhảy biến hướng và khả năng linh hoạt cơ thể.

  • Trang thiết bị: Đồng hồ bấm giây, trên mặt đất kẻ 2 đường thẳng vuông góc tạo hình chữ thập.
  • Phương pháp kiểm tra: Người thực hiện sau khi nghe khẩu lệnh, từ vị trí giao nhau của 2 đường kẻ bật nhảy vào 1 ô, sau đó liên tục bật nhảy liên tiếp vào các ô thứ 2,3,4 và quay lại ô 1. Thực hiện liên tục trong 10s, tính số lần, mỗi lần bật được 1 điểm. Mỗi lần bật sai (như: bật sai ô, giẫm vạch, không bật bằng hai chân hoặc tiếp đất cùng lúc) thì trừ đi 0.5 điểm.
  • Những điều chú ý: Trước khi kiểm tra có thể cho người thực hiện thử 2 lần, khi kiểm tra phải tuân thủ bật nhảy đúng quy định.

c). Chạy con thoi 3m (lần/30s)

  • Mục đích kiểm tra: Đánh giá khả năng linh hoạt của VĐV.
  • Trang thiết bị: vẽ 02 đường kẻ sáng cách nhau 3m lên mặt đường bằng phẳng, ở điểm giữa vạch một đường kẻ nhỏ; đồng hồ bấm giây.
  • Phương pháp kiểm tra: mỗi lần thực hiện 2 đến 4 người (số người bấm giờ bằng số người thực hiện), khi chuẩn bị, người thực hiện đứng ở đường kẻ biên, 1 chân giẫm lên biên. Sau khi nghe hiệu lệnh, dùng tốc độ nhanh nhất chạy con thoi qua lại giữa 2 đường kẻ. Mỗi lần đến vạch phải chạm chân lên vạch, tính tổng số lần thực hiện được trong 30s. Kiểm tra 2 lần, lấy thành tích cao nhất.
  • Những điều chú ý: ⑴ Yêu cầu người thực hiện đi giầy đế cao su; ⑵ Khi đếm số lần có thể tính chính xác tới 0.5 lần (chạm vạch giữa sân).

d). Di chuyển ngang 3m (lần/30giây)

  • Mục đích kiểm tra: Đánh giá khả năng linh hoạt và điều chỉnh của VĐV (tuyển chọn VĐV bóng đá, các môn khác có thể tham khảo).
  • Trang thiết bị: như trên.
  • Phương pháp kiểm tra: Số người thực hiện và công tác chuẩn giống như trên. Sau khi nghe hiệu lệnh, người thực hiện chạy tốc độ, hai chân đan chéo chạm 2 đường kẻ giới hạn theo hình con thoi (di chuyển ngang theo một hướng cố định từ đầu đến cuối). Tính tổng số lần đạt được trong 30s. Kiểm tra 2 lần, lấy thành tích cao nhất.
  • Những điều chú ý: Như trên.

e). Chạy con thoi 5m (s)

  • Mục đích kiểm tra: Kiểm tra khả năng linh hoạt.
  • Trang thiết bị: Đồng hồ bấm giây, 02 miếng gỗ hoặc bình cao su.
  • Phương pháp kiểm tra: Trên mặt sân bằng phẳng kẻ 2 đường kẻ song song, cách nhau 5m (độ dài 2m), mép ngoài của 2 đường kẻ đặt miếng gỗ hoặc bình cao su. Người thực hiện sau khi nghe thấy hiệu lệnh “chạy”, nhanh chóng chạy về phía đường kẻ đối diện, chạm tay vào miếng gỗ hoặc bình cao su, sau đó dùng tốc độ chạy quay về đường kẻ xuất phát chạm tay vào miếng gỗ hoặc bình cao su và thực hiện vòng tiếp theo. Thực hiện liên tục 5 lượt đi về, thành tích tính bằng giây.

–       Những điều chú ý: Có thể dùng tay chạm đất thay vì chạm vào miếng gỗ hoặc bình cao su.