Cơ sở khoa học của tố chất Mềm Dẻo

Tố chất mềm dẻo chỉ khả năng kéo dãn của các tổ chức mềm bao quanh khớp như cơ, gân, dây chằng… hoặc chỉ biên độ hoạt động của khớp. Thực tế tố chất mềm dẻo được lý giải là “khả năng kéo dãn, đàn hồi và mức độ bền vững của các tổ chức mềm bao quanh khớp như cơ, gân, dây chằng…”. Tố chất mềm dẻo có thể chia thành mềm dẻo chung và mềm dẻo chuyên môn. Khả năng kéo dãn của các khớp chính của cơ thể được gọi là mềm dẻo chung, còn khả năng kéo dãn đặc thù của một bộ phận khớp nào đó của cơ thể theo yêu cầu của chuyên môn được gọi là tố chất mềm dẻo chuyên môn.

Tố chất mềm dẻo chịu ảnh hưởng của cả 2 yếu tố bẩm sinh và tập luyện, do vậy là nội dung kiểm tra trong tuyển chọn ở các cấp, cho phép biết được khả năng hiện tại của người được test, đồng thời còn có thể tiến hành phán đoán được tiềm năng có thể huấn luyện tố chất này của đối tượng khi tham gia tập luyện và thi đấu.

Hiện nay các phương pháp kiểm tra tố chất mềm dẻo thường sử dụng là mức độ và biên độ kéo dãn trong các động tác ép, dạng, xoạc… để kiểm tra tính mềm dẻo của vai, chân, cổ chân… Sử dụng các động tác đứng thẳng cúi với sâu, nằm sấp ưỡn lưng, xoay người, cuộn vòng… để kiểm tra tính mềm dẻo của lưng bụng. Kết quả kiểm tra của các phương pháp trên có thể đo bằng thước dây, thước thẳng, compa nhân trắc, máy đo góc.

Một số test về tố chất Mềm dẻo

Dưới đây là một số test tham khảo, không đặc thù cho từng môn.

a). Độ mềm dẻo và linh hoạt khớp cổ chân (độ)

  • Mục đích kiểm tra: Đánh giá độ dẻo và linh hoạt khớp cổ chân.
  • Trang thiết bị: Sử dụng thước đo góc chuyên dụng.
  • Phương pháp kiểm tra:

Phương pháp 1:

 

Người thực hiện ngồi trên ghế băng, bàn chân phải duỗi mũi chân đặt lên mặt phẳng ghế, duỗi thẳng khớp gối, dây trượt của thước đo ép vào mặt trong bàn chân (hình dưới đây), tấm sau của thước đo góc áp vào cạnh trước của xương ống chân, tấm trước áp vào mép trên của xương mắt cá và xương trụ, mũi chân duỗi thẳng hết, người kiểm tra đứng ở bên trái người thực hiện đọc kết quả.

Những điều chú ý: Người kiểm tra không được dùng sức ép đè tấm trước của thước đo.

Phương pháp 2:

Người thực hiện nằm ngửa, gót chân duỗi vượt qua cạnh giường, gối duỗi thẳng, thước đo góc độ khớp gắn cố định. Tay cố định của thước song song với đường thẳng từ đầu nhỏ xương mác tới dây nối ngoài cổ chân; Vị trí đặt tay quay của thước là điểm nối giữa đầu nhỏ xương mắt cá với đường nối mặt ngoài xương gót chân (hình dưới đây).         

Những điều chú ý: Người kiểm tra không được tỳ ép tay.

b). Soạc ngang, soạc dọc (cm)

–  Mục đích kiểm tra: Đánh giá độ dẻo duỗi khớp chậu hông.

– Trang thiết bị: thước đo hoặc máy đo độ cong.

– Phương pháp kiểm tra: Người được kiểm tra thực hiện ép dọc hoặc ép ngang tới mức tối đa, cố gắng để phần phần hông áp sát đất (hình dưới đây). Đo đoạn thẳng 2 chân soạc được trên mặt đất hoặc đo khoảng cách giữa 2 mũi chân sau khi soạc tối đa. Thực hiện 3 lần, lấy thành tích cao nhất, đơn vị cm.

Khi đánh giá có thể chuyển về dạng chỉ số để đánh giá:

  • Chỉ số dài sải chân dọc = khoảng cách giữa 2 gót chân/chiều dài chân × 2.
  • Chỉ số dài sải chân ngang = khoảng cách giữa 2 gót chân/[đường kính hông + (chiều dài chân × 2)].

c). Đứng thẳng gập bụng (cm)

  • Mục đích kiểm tra: Đánh giá độ mền dẻo của cơ và dây chằng khớp hông và cột sống.
  • Trang thiết bị:

⑴ Thiết bị đo ngồi gập người với xa: Trước khi đo, điều chỉnh thước về vị trí số 0.

⑵ Gắn cố định, thẳng đứng một thước đo thẳng vào bục có chiều cao khoảng 60cm. Vị trí số 0 của thước bằng mặt phẳng bục, phía trên vạch số 0 của thước có ghi độ dài từ 1-20cm, phía dưới vạch số 0 có ghi độ dài từ 1-30cm.

  • Phương pháp kiểm tra: Người kiểm tra đứng trên bục, 2 chân đặt cách nhau từ 5-10cm, duỗi thẳng song song, 2 bàn chân mở một góc 600 và đầu mũi chân bằng với mép ngoài của bục, 2 gót chân chạm nhau. Người kiểm tra cố gắng gập người, 2 tay duỗi thẳng, sát nhau, 2 đầu ngón tay giữa từ từ đẩy vào thanh trượt của thước (thanh ngang) cho tới khi dừng lại (hình dưới đây), thực hiện 3 lần, lấy thành tích cao nhất. Điểm dừng của thanh trượt là kết quả đo tính bằng cm, lấy chính xác tới 1/10.

Những điều cần chú ý:

⑴ Trước khi kiểm tra người thực hiện phải khởi động kỹ.

⑵ Khi đo, nếu phát hiện 2 tay người thực hiện không bằng nhau, chân cong, hoặc dùng động tác đột ngột đẩy thanh trượt thì phải yêu cầu làm lại.

⑶ Người kiểm tra đứng bên phải người thực hiện, dùng tay phải đỡ vai của người thực hiện đề phòng ngã về trước.

d). Uốn cầu sau (cm)

  • Mục đích kiểm tra: Đánh giá độ dẻo của vai, cột sống và hông.
  • Trang thiết bị: thước thẳng hoặc thước dây.
  • Phương pháp kiểm tra: Người thực hiện đứng thẳng, đo khoảng cách từ rốn tới mặt thảm (chiều cao rốn), sau đó nằm trên thảm, cong 2 chân và dùng lực đẩy tạo thân người thành hình cánh cung, 2 tay 2 chân chống đất (tách rộng bằng vai), cố gằng thu ngắn khoảng cách giữa tay và chân, đồng thời cố gẳng đưa cột sống lên đến đỉnh cao nhất. Người kiểm tra đặt vạch số 0 của thước trên thảm, đo khoảng cách thẳng đứng từ thảm đến điểm cao nhất của cánh cung (chiều cao cầu). Thực hiện 2 lần, lấy thành tích tốt nhất.

Đánh giá: có thể sử dụng hiệu số: chiều cao rốn – chiều cao cầu, giá trị càng nhỏ thì độ mềm dẻo càng cao; Có thể sử dụng: chiều cao cầu/ chiều cao rốn để dánh giá, giá trị thu được càng gần 1 thì càng tốt.

  • Những điều chú ý:

⑴ Trước khi kiểm tra cần khởi động kỹ, thực hiện động tác chậm.

⑵ Khi đo, bàn tay và bàn chân không được rời khỏi mặt đất.

⑶ Thảm phải bằng phẳng, khi đo thước phải giữ thẳng đứng.

e). Chỉ số uốn cầu sau/chiều cao × 100

  • Mục đích kiểm tra: Đánh giá mềm dẻo của vai, cột sống và hông.
  • Trang thiết bị: thước thẳng hoặc thước dây.
  • Phương pháp kiểm tra:

⑴ Đo chiều cao.

⑵ Người thực hiện nằm ngửa trên mặt sàn (hoặc thảm), sau đó dùng 2 tay đẩy đưa người lên tạo thành hình cánh cung, di chuyển tay tiến gần về phía chân đến khi không thể tiếp tục, đo khoảng cách giữa tay và chân.

⑶ Lấy kết quả đo chiều cao và độ dài cầu sau (khoảng cách giữa tay và chân) đưa vào công thức để tính chỉ số.

  • Những điều cần chú ý: Như thử nghiệm uốn cầu sau.

f). Biên độ xoay vai (cm)

  • Mục đích kiểm tra: Đánh giá độ mềm dẻo của khớp vai.
  • Trang thiết bị: Thước dây hoặc thước gỗ dài 2m có chia vạch đo.
  • Phương pháp kiểm tra: Người thực hiện đứng thẳng, hai chân rộng bằng vai, 2 tay duỗi thẳng, cầm thước (dây hoặc gỗ) trước ngực, 1 tay cầm cố định ở vị trí vạch số 0 của thước, tay kia có thể di chuyển trên thước, sau đó duỗi thẳng 2 tay, đưa từ trước ngực lên trên, qua đầu ra sau lưng (nếu gặp khó khăn, tay di chuyển có thể trượt rộng ra). Sau đó di chuyển ngược lại, từ sau, lên trên và ra trước, về vị trí ban đầu. Ghi lại khoảng cách giữa 2 tay, đơn vị đo cm. Thực hiện 2 lần, lấy thành tích cao nhất.
  • Những điều chú ý: Khi thực hiện 2 tay không được cong.

g). Độ gấp cổ chân (cm)

  • Mục đích kiểm tra: Đánh giá khả năng gấp cổ chân.
  • Trang thiết bị: Bức tường phẳng, thước thẳng hoặc thước dây.
  • Phương pháp kiểm tra: Người thực hiện đứng đối diện với tường, gót chân tiếp đất, thân người đổ về trước, hai tay chống tỳ vào tường. Di chuyển từ từ, tăng dần khoảng cách từ chân tới tường, yêu cầu 2 gối luôn giữ thẳng, gót chân không được rời khỏi mặt đất. Thành tích kiểm tra = khoảng cách thẳng đứng từ dưới cằm tới mặt đất – khoảng cách từ mũi chân tới tường. Thực hiện 2 lần, lấy thành tích cao nhất, giá trị thu được càng nhỏ thì khả năng gấp của khớp và dây chằng cổ chân càng tốt.
  • Chú ý: khi thực hiện gót chân không được rời mặt đất.

h). Nằm sấp duỗi ngửa lưng (cm)

  • Mục đích kiểm tra: khả năng duỗi đánh giá độ dẻo cột sống.
  • Trang thiết bị: Thước thẳng hoặc dây.
  • Phương pháp kiểm tra: Chuẩn bị: người thực hiện nằm sấp, 2 tay duỗi thẳng ra sau, các ngón tay đan vào nhau, người kiểm tra dùng 2 tay tỳ giữ phần dưới của đùi người thực hiện. Tiến hành: từ từ nâng đầu và thân người ra sau, lên trên đến hết khả năng. Người kiểm tra đo khoảng cách từ mép dưới của cằm tới mặt phẳng, đơn vị đo cm, lấy chính xác tới 1/10.
  • Những điều chú ý: giữ thước thẳng đứng, sau khi nâng ngửa lưng cần duy trì tư thế cho tới khi đo xong.

i). Ngồi gập bụng với tay (cm)

  • Mục đích kiểm tra: Đánh giá độ dẻo khớp chậu hông và cột sống.
  • Trang thiết bị: 02 thước thẳng.
  • Phương pháp kiểm tra: Người thực hiện ngồi trên mặt phẳng, 2 chân duỗi thẳng, 2 đùi chạm nhau, 2 gót chân chạm đất, vạch 1 đường kẻ ngang ở vị trí xa nhất nơi gót chân chạm đất. Khi thực hiện, một người gúp đỡ tỳ giữ gối để cố định. Tiếp đó, người thực hiện dùng 2 tay đặt ở 2 bên chân, chạm đất và cố gắng từ từ gập thân hết mức. Người kiểm tra dùng thước thẳng đo khoảng cách thẳng từ vạch kẻ ngang tới mũi tay (hình dưới đây). Thành tích tính bằng cm, thực hiện 2 lần, lấy thành tích cao nhất.

.

  • Những điều chú ý: khi duỗi tay, gập thân phải từ từ, khi tay giữ ổn định mới tiến hành đo. Lấy kết quả trung bình nếu 2 lần đo chênh lệch lớn.

k). Thử nghiệm nằm sấp nâng tay vai (cm)

  • Mục đích kiểm tra: Đánh giá khả năng mềm dẻo của vai.
  • Trang thiết bị: Một gậy thẳng, thước đo độ dài.
  • Phương pháp kiểm tra: Đo chiều dài tay (tay duỗi thẳng, đo khoảng cách từ vai tới đầu ngón giữa). Người thực hiện nằm sấp, 2 tay duỗi thẳng trên đầu, khoảng cách 2 tay rộng bằng vai, 2 tay nắm gậy, cố gằng từ từ nâng gậy lên cao, yêu cầu cằm chạm đất, cánh tay duỗi thẳng. Sau khi nâng gậy lên tới điểm cao nhất có thể và giữ ổn định, người kiểm tra tiến hành đo khoảng cách từ mép dưới gậy tới mặt phẳng.
  • Phương pháp đánh giá: Lấy chiều dài tay trừ thành tích cao nhất đo được sau 3 lần thực hiện. Độ cao gậy càng gần với chiều dài tay càng tốt.
  • Những điều cần chú ý: Người thực hiện dùng lực để nâng tay phải nâng từ từ, khi giữ ổn định mới tiến hành đo.